Giovanni Ferrero là nhân vật quyền lực đứng sau đế chế bánh kẹo lớn thứ hai thế giới - Ferrero Group và cũng là người giàu nhất tại Italy với tài sản 32 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaire Index.
Dù đứng sau những thương hiệu sôcôla nổi tiếng toàn cầu như Ferrero Rocher, Tic Tac, Kinder, Butterfinger, cả Giovanni Ferrero và Ferrero Group đều vô cùng kín tiếng. Thậm chí, những biện pháp bảo vệ an ninh của công ty này từng được ví với của NASA.
Dưới đây là những điều ít biết về tỷ phú bí ẩn này, theo Business Insider.
Sau khi tốt nghiệp, Giovanni cùng cha và anh trai điều hành công ty của gia đình, với vị trí đầu tiên tại chi nhánh sản xuất kẹo sôcôla Tic Tac ở Bỉ, theo Forbes. Đế chế của gia đình Ferrero bắt đầu từ một cửa hàng sôcôla tại Alba, Italy vào năm 1946, tiền thân của Ferrero Group sau này. Sau hơn 70 năm, Ferrero Group trở thành hãng bánh kẹo lớn thứ hai thế giới với doanh thu 11,9 tỷ USD trong năm tài chính tính tới tháng 8/2018.
Giovanni và anh trai Pietro Ferrero trở thành đồng CEO của Ferrero Group vào năm 1997. Theo Forbes, Pietro phụ trách điều hành hoạt động giao vận và phát triển sản phẩm, còn Giovanni tập trung vào mảng sáng tạo. Tuy nhiên, sự phân chia này kết thúc khi Pietro qua đời vì truỵ tim trong một tai nạn xe đạp ở Nam Phi vào năm 2011. Giovanni sau đó trở thành CEO duy nhất của tập đoàn, còn cha họ - Michele - vẫn giữ vai trò chủ tịch công ty.
Ông Michele Ferrero qua đời vào năm 2015, để lại đế chế khổng lồ cho Giovanni. Cùng năm đó, Giovanni trở thành chủ tịch công ty. Ông kiêm nhiệm vị trí CEO và chủ tịch công ty trong 2 năm trước khi thuê Lapo Civiletti về làm CEO vào năm 2017.
Giovanni không sở hữu tính cách thường thấy ở các doanh nhân. Theo tờ Wall Street Journal, ông có xu hướng "hướng nội" hơn so với các anh em trong nhà Ferrero. Sau một cuộc phỏng vấn với ông vào tháng 6/2018, biên tập viên Noah Kirsch của Forbes mô tả ông là "gầy gò, ăn mặc bảnh bao và hay cười khúc khích", và trông ông phù hợp "để hoạt động trong ngành giải trí hơn là một ông chủ nhà máy".
Kể từ khi trở thành lãnh đạo duy nhất của Ferrero Group, ông đã phá vỡ nhiều truyền thống suốt nhiều thập kỷ của công ty. Ông đã thực hiện những thương vụ thâu tóm đầu tiên trong lịch sử tập đoàn này và cũng thuê CEO đầu tiên không phải là một thành viên gia đình, theo Forbes. "Truyền thống giống như một chiếc cung tên vậy", Giovanni Ferrero viết trong một email gửi tới tờ Wall Street Journal vào năm 2016. "Càng căng dây cung, chúng ta càng có thể bắn xa hơn những mũi tên của sự hiện đại và đổi mới".
Những đổi mới của Giovanni đã mang lại thành quả. Trong năm 2019, tài sản của ông tăng thêm 9,63 tỷ USD lên 32 tỷ USD. Hiện ông là người giàu thứ 27 thế giới, giàu hơn Elon Musk và Michael Dell, theo Bloomberg Billionaires Index. Ông và gia đình Ferrero là chủ sở hữu duy nhất của Ferrero Group. Chỉ riêng cổ phần của Giovanni tại tập đoàn này trị giá hơn 23 tỷ USD.
Khác với giới doanh nhân, Giovanni không chỉ dành thời gian để làm việc, mà ông còn viết tiểu thuyết. Ông đã xuất bản 8 tiểu thuyết, trong đó một vài cuốn lấy bối cảnh ở châu Phi, theo Forbes. Tiểu thuyết gần đây nhất của ông có tên "Il cacciatore di luce" ("The Light Hunter"), nói về một hoạ sĩ châu Phi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, được xuất bản vào năm 2016.
Giovanni Ferrero đã kết hôn với Paola Rossi, người làm việc tại Uỷ ban châu Âu. Nguồn tin từ Forbes và Reuters cho biết họ có hai con, nhưng Bloomberg lại nói rằng họ không có con.
Theo Forbes, gia đình tỷ phú giàu nhất Italy hiện sống tại Bỉ, nhưng ông điều hành công ty từ Luxembourg. Theo tờ Washington Post, cha của ông từng sống ở Monte Carlo (Monaco) và làm việc ở Italy, qua lại giữa hai nơi này bằng trực thăng riêng, do đó có khả năng ông cũng làm điều tương tự.
Cả Giovanni và công ty của ông đều vô cùng kín tiếng. Theo tờ Guardian, Ferrero Group là "một trong những công ty bí mật nhất thế giới". Lần đầu tiên trong lịch sử 65 năm, vào năm 2011, công ty này cho phép phóng viên tham quan nhà máy tại Alba, Italy và chủ tịch của công ty này có cuộc phỏng vấn đầu tiên với một cơ quan thông tấn của Mỹ vào năm 2018. Trước đó, Ferrero Group cấm cho bên ngoài tham quan các nhà máy do sợ "gián điệp công nghiệp" bởi thiết kế các thiết bị và công thức sản phẩm của công ty này luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, theo tờ Washington Post. Một giám đốc giấu tên của Ferrero Group từng so sánh các biện pháp an ninh của công ty này với của NASA. Cha của Giovanni cũng từng giữ kín mọi thông tin về cuộc sống cá nhân và luôn đeo kính đen mỗi khi xuất hiện trước công chúng.
(Theo Economy)